Chính vì điều này mà bà và bố mẹ cháu thường bất đồng với nhau. Bố mẹ cháu cho rằng, chiều cháu như thế, chẳng trách “cháu hư tại bà”. Việc cháu “hư” trở thành “cuộc chiến” âm thầm giữa hai phe. Bà thường nói nhẹ nhàng, lại hay kèm theo điều kiện. Bố mẹ cháu ngược lại, buộc con phải nghe lời, nếu không sẽ bị phạt. Vì sợ bố mẹ, cháu miễn cưỡng dừng cuộc chơi nhưng lại mau chóng bày trò mới. Hình như khả năng tập trung của cháu chưa cao nên bỏ ngoài tai những lời răn đe của bố mẹ. Nội thì ngược lại, những lời nói của bà rất dễ lọt tai cháu. Vậy thì đã rõ, cháu thích cách nội dạy cháu hơn, vì nội không làm cháu bị tổn thương. Nội biết cháu đang trong giai đoạn tìm hiểu, khám phá và khẳng định bản thân, vì thế, nội luôn sát cánh bên cháu để hướng dẫn, khuyên bảo những điều đúng đắn.
Ngày hôm qua, đang chơi trò bắn súng, cháu nghe tiếng bố lệnh: “Tối rồi, có vào tắm rửa thay quần áo ngay không?”. Cháu thường “dị ứng” với những câu nói đại loại như thế, nên cứ lần lữa mãi chưa chịu vào. Đến khi nội gọi vọng ra “muộn rồi con à”, chỉ chờ có thế, cháu chạy ngay vào “quy hàng” nội, lại còn biết nịnh nội “dễ thương” nữa. Không biết có phải cháu “hảo ngọt” hay là cháu không thích kiểu nói mệnh lệnh. Dù thế nào thì nội cũng có cách “trị” cháu, đơn giản vì nội biết khai thác tính cách cháu. Làm chuyện gì nội cũng “nhờ” cháu chứ không sai khiến, những lúc đó, cháu cảm thấy mình được tôn trọng, cháu hào hứng giúp nội ngay. Nội còn hay ở chỗ, dùng những lời ngon ngọt mà cháu vẫn không ỷ lại, nội quyết nói “không” trong những tình huống cần thiết, cách sai khiến của nội cũng rất ngọt ngào nên cháu răm rắp nghe theo. Thật ra, đâu phải lúc nào nội cũng khai thác sự "hảo ngọt" của cháu, đâu phải cứ một mực mềm dẻo hay quá cứng nhắc với cháu.
Một lần, cháu đang mải mê với trò xếp hình, quên mất đã đến giờ làm bài tập. Nhìn cách cháu say sưa khám phá, nội chỉ nhắc nhở “chơi mau rồi còn học bài nữa nghe con”, nội không muốn cháu miễn cưỡng, hay khó chịu khi bị nội ra lệnh. Trò xếp hình đang rất cuốn hút, nên việc học bài có thể muộn hơn một tý, gọi “giật ngược” thời điểm này sẽ khiến cháu cụt hứng, cháu sẽ cãi lệnh, càng thêm bực mình. Kết thúc cuộc chơi, sau khi ngắm nghía tác phẩm lần cuối, cháu có vẻ hài lòng, vội thu dọn phòng ốc sạch sẽ. Trước khi rời khỏi phòng, cháu còn chạy lại ôm hôn nội và còn bảo “con yêu nội nhất”, rồi lao ngay vào phòng học một cách thoải mái.
Tuy còn nhỏ, nhưng các bé đều có nhu cầu riêng, từ ăn, ngủ, học hành, vui chơi. Vì thế, trẻ luôn cần sự lắng nghe của người thân về việc nắm bắt nhu cầu của trẻ và cho phép các cháu làm theo ý muốn. Trẻ thường bốc đồng, nghĩ gì làm nấy nên người lớn phải nhập cuộc với mục đích kiểm soát, nhắc nhở, góp ý và động viên, để vừa khơi gợi tính sáng tạo, vừa điều khiển hành vi, uốn nắn trẻ. Tôi nghĩ, đối với những trẻ "hảo ngọt", thỉnh thoảng cho phép bé có sự lựa chọn. Ví dụ, khi đi dự tiệc, hãy cho bé cơ hội chọn trang phục. Đừng ép con phải mặc áo này, quần kia. Khi được tự quyết định, trẻ sẽ thấy mình có “giá trị”, được tôn trọng nên rất hào hứng.
Ngay cả người lớn cũng thích được “rót mật vào tai”. Trong nhiều trường hợp, khai thác tính “hảo ngọt” cũng rất cần thiết với những đứa trẻ được mệnh danh ngỗ nghịch, bướng bỉnh.
Phi Khanh
tai game dien thoai conggameviet
my pham the face shop shoptainha
Nguồn: phunuonline.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét