Mạnh Khương Nữ khóc đổ Trường Thành
Câu chuyện nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành đã lưu truyền ngàn năm. Mạnh Khương Nữ cùng Phạm Hỷ Lương là đôi uyên ương gắn bó khăng khít. Đột nhiên một ngày nọ, triều đình ban lệnh thu thập dân binh đi xây Vạn Lý Trường Thành. Vạn Hỷ Lương cũng nằm trong số ấy. Thoáng chốc một năm đã qua, nhưng Phạm Hỷ Lương vẫn bặt vô âm tín. Mạnh Khương Nữ vì lo lắng cho chồng mà mất ăn mất ngủ. Sau khi thương lượng với cha mẹ, nàng quyết định đi tìm chồng, thề rằng, nếu chưa tìm thấy Hỷ Lương sẽ quyết không về nhà. Nàng đem theo lương khô và tấm áo len mới đan cho chàng rồi khăn gói lên đường. Suốt chặng đường đi, Mạnh Khương Nữ “ăn gió nằm sương”, chống chọi với mưa nắng, chịu đủ cảnh cơ hàn, đói rét. Trải qua bao ngày trèo đèo lội suối, cuối cùng, nàng cũng tìm được tới nơi xây dựng Trường Thành.
Hỏi thăm mọi người, Mạnh Khương Nữ mới biết, để xây Trường Thành, đã có vô số người phải bỏ mạng. Phạm Hỷ Lương chồng nàng do lao động nặng nhọc, quá sức nên đã chết từ lâu rồi, thi thể bị vùi thây dưới chân Trường Thành, xương cốt không tìm thấy nữa. Hung tin như sét đánh ngang tai, Mạnh Khương Nữ vì thắt quặn trong lòng mà cất tiếng khóc than. Nước mắt nàng tuôn trào như suối, làm kinh hãi, u ám cả đất trời. Nàng khóc tới đâu, Trường Thành đổ tới đó, đoạn bị đổ dài tới 800 dặm.
Có thuyết cho rằng, tên tổng quản công trình vì lo sợ đã chạy tới bẩm báo sự tình với Tần Thủy Hoàng, người lúc này đang tới thị sát thi công Trường Thành. Tần Thủy Hoàng vội tìm tới hỏi ngọn nguồn mọi chuyện. Vừa gặp, ông đã bị cuốn hút bởi nhan sắc xinh đẹp của nàng, rồi ra sức ép Mạnh Khương Nữ trở thành “Chính cung nương nương” của mình.
Dù trong lòng ngùn ngụt căm phẫn nhưng Mạnh Khương Nữ vẫn cố kìm lòng. Nàng “tương kế tựu kế”, ép Tần Thủy Hoàng phải đáp ứng cho nàng 3 điều kiện thì mới chịu theo. Thứ nhất, phải tìm thấy thi thể của chồng là Phạm Hỷ Lương. Thứ hai, phải tổ chức Quốc táng cho chồng nàng. Thứ ba, Tần Thủy Hoàng phải đeo khăn tang, mặc áo sợi gai. Suy nghĩ chốc lát, Tần Thủy Hoàng vẫn cứng đầu đồng ý. Mạnh Khương Nữ vận tang phục, vái trước mộ chồng - người đã tử nạn vì đi phu xây thành. Xong xuôi những việc ấy, nàng thấy lòng nhẹ nhõm, coi như tâm nguyện đã hoàn thành. Đứng trước biển Bột Hải, nàng gieo mình xuống những con sóng đang cuồn cuộn dâng cao. Từ đó, câu chuyện cảm động về những giọt nước mắt xô đổ Trường Thành của Mạnh Khương Nữ được lưu truyền muôn thưở.
“Kinh điểu” Lâm Đại Ngọc
Khi khảo chứng “Hồng Lâu Mộng”, nhiều học giả cho rằng, thực chất, nguyên mẫu của nàng Lâm Đại Ngọc trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Tào Tuyết Cần là nàng Lý Hương Ngọc, cháu gái của Lý Hú, một người chuyên quản lý việc dệt vải ở Tô Châu đời vua Khang Hy. Trong khi đó, trong cuốn “Hồng Lâu Mộng tân chứng”, nhà Hồng học Chu Nhữ Xương lại khẳng định, Lý Hương Ngọc là nguyên mẫu của nhân vật Sử Tương Vân.
Những ai yêu thích nhân vật Lâm Đại Ngọc đều ấn tượng với dung nhan tuyệt sắc của nàng. Đại Ngọc yêu kiều, diễm lệ tới nỗi, Giả Bảo Ngọc lần đầu gặp gỡ đã đòi đập viên Thông Linh bảo ngọc của mình. “Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu; Người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân” là những mỹ từ dành để ca ngợi vẻ đẹp của nàng.
Ở hồi 27, tác giả đã so sánh nhan sắc của Bảo Ngọc với đại mỹ nhân Tây Thi: "Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng; Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn".
Nàng Lâm Đại Ngọc dành cho Giả Bảo Ngọc một tình cảm vô cùng sâu đậm. Tình yêu thậm chí đã khiến thần trí nàng mê loạn. Chỉ cần Giả Bảo Ngọc tỏ ra thân mật, có chút tình nghĩa với người con gái khác, Lâm Đại Ngọc liền ôm nỗi sầu muộn trong lòng mà thút thít khóc than.
Nhắc tới nàng, hậu thế vẫn luôn ấn tượng với hình ảnh kinh điển: “Đại Ngọc chôn hoa”. Đó là hình ảnh đầy thi vị, khắc họa chân dung một tuyệt sắc giai nhân mang tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh như giọt pha lê dễ vỡ.
Thậm chí tiếng khóc của nàng còn được mô tả là quá xót xa, bi thương, đến nỗi chim chóc vốn làm tổ trên cây gần đấy cũng thấy quặn lòng mà nối đuôi nhau cất cánh bay đi. Vì tích ấy mà có những vần thơ chan chứa nỗi niềm:
Tần nhi tài mạo thế ứng hy,
Độc bão u phương xuất tú khuê,
Minh yết nhất thanh do vị tận,
Lạc hoa mãn địa điểu kinh phi.
Tạm dịch:
Sắc đẹp nàng kia thật hiếm hoi,
Đơn độc, lẻ loi chốn khuê phòng,
Tiếng ai thút thít nghe thê thảm,
Hoa rơi đầy đất, chim sợ bay.
Lâm Đại Ngọc tuy chỉ thút thít nhỏ lệ mà đã khiến hoa rơi rụng đầy sân, chim chóc thất kinh bay loạn xạ. Xem ra, uy lực của tiếng khóc ấy chẳng phải tầm thường. Huống hồ, nàng còn vì Giả Bảo Ngọc mà nhỏ lệ trọn kiếp, rồi qua đời vì tâm tư héo hon, sầu thảm.
TIN LIÊN QUAN
NỔI BẬT CHUYÊN MỤC
NỔI BẬT CHUYÊN MỤC
Nguồn: kienthuc.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét