Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Dừng đào tạo 161 ’lò ấp’ thạc sĩ

 Qua kiểm tra, Bộ GDĐT phát hiện nhiều trường cố tình đào tạo khi không đáp ứng đủ yêu cầu như quy định về điều kiện được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ. 

Qua kiểm tra, Bộ GDĐT phát hiện nhiều trường cố tình đào tạo khi không đáp ứng đủ yêu cầu như quy định về điều kiện được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ.

Ông Tuấn cũng cho biết những chương trình bị dừng mới chỉ xét trên phương diện điều kiện đội ngũ giảng viên. Các yêu cầu về cơ sở vật chất, về diện tích sàn sẽ tiếp tục được kiểm tra trong thời gian tới với các chương trình đào tạo sau ĐH.

Trong danh sách 161 chương trình thạc sĩ bị đình chỉ, nhiều chương trình đào tạo thuộc các trường ĐH, học viện lớn như Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Huế, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…

161 chuyên ngành thạc sĩ bị dừng đào tạo


Theo ông Tuấn, đến ngày 31/12/2014, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của chuyên ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.

Đối với các học viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các chuyên ngành này, cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đào tạo, bảo đảm quyền lợi học viên.

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh thạc sĩ từ năm 2013 đối với 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội đến khi nhận được thông báo của Bộ về kết quả xử lý báo cáo thống kê của các cơ sở đào tạo này.

Hiện tại, trường còn 5 cơ sở đào tạo thạc sĩ chưa nộp báo cáo và 4 cơ sở nộp báo cáo không hoàn chỉnh.

 Nhiều tiến sĩ, ít công trình nghiên cứu 

Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước hiện có hơn 24.300 tiến sĩ và hơn 101.000 thạc sĩ. So với năm 2006, con số này tăng bình quân 11,6%/năm, trong đó số TS tăng 7%/năm, ThS tăng 14%/năm.

Nhưng chưa có số liệu thống kê trong số TS, ThS này có bao nhiêu phần trăm làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy.

PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Trong nhiều năm qua, quy mô đào tạo ThS ở nhiều trường quá lớn là nguyên nhân gây “lạm phát” trình độ ThS với nhiều ThS “giấy”. Năm 2011, ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo đến hơn 4.000 ThS, trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy của trường chỉ có 5.500; chỉ tiêu đào tạo ThS năm 2012 (đợt 1) của Trường ĐH GTVT Hà Nội lên đến hơn 1.000.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng: "Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường ĐH”.

Là nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều GS, PGS, TS nhưng các trường ĐH hiện nay gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước.

Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi giảng viên ĐH ngoài việc đảm bảo 900 giờ giảng dạy phải có 500 giờ dành cho nghiên cứu khoa học/năm. Đối với GS, PGS và giảng viên chính thì số giờ dành cho nghiên cứu khoa học từ 600 - 700 giờ/năm. Tuy nhiên, hiện nay đa số giảng viên các trường ĐH chỉ đào tạo mà không nghiên cứu khoa học.

Thống kê của Bộ KH-CN, trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây.

 Hiếu Lam   (tổng hợp TN, NLĐ, TTO) 


Nguồn: baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét