Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm bị giảm

 Sau thông báo tạm ngừng mở mới ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, Bộ GD&ĐT định hướng sẽ tăng học phí những ngành này, đồng thời giảm dần chỉ tiêu sư phạm vì sinh viên ra trường không có việc làm. 

Trong hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 mới đây, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện thông báo của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Giáo dục cùng Bộ tài chính thí điểm đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động trong giáo dục đại học.

Theo đó, những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà nhà nước cần đào tạo như sư phạm, kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nông lâm ngư, nghệ thuật, nhà nước sẽ đặt hàng bằng cách cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và các cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Sinh viên chỉ phải đóng học phí bằng mức quy định.

Những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như kinh tế, tài chính, luật... sẽ giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới tự bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần đảm bảo 50-90% chi phí đào tạo từ năm 2012-2016.

Ngành kinh tế, tài chính, luật sẽ tăng dần học phí, chỉ tiêu sư phạm giảm dần là định hướng của Bộ GD&ĐT từ năm 2013. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. 

Ông Vũ cho biết thêm, do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần trong những năm tới trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên so với nhu cầu. Bên cạnh đó, Bộ sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, việc dừng mở mới ngành, trường đào tạo kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh sẽ được thực hiện một cách toàn diện. Những trường có truyền thống đào tạo những ngành này như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại... Bộ sẽ không can thiệp việc cắt giảm chỉ tiêu, nhưng sẽ giám sát chặt chẽ.

Không bất ngờ và hoàn toàn đồng ý với quyết định của Bộ, hiệu trưởng Học viện Tài chính Ngô Thế Chi cho biết, ông đã phân tích tình hình và phản ánh với Bộ từ lâu, khi các trường đua nhau mở ngành kinh tế, tài chính. Việc trường không có chuyên môn đào tạo ngành này sẽ làm loãng thị trường nhân lực. Khi giáo viên không chuyên sẽ khó có học trò giỏi, trường không chuyên thì nội dung sẽ không được sâu sắc.

"Hãy để những trường chuyên môn về tài chính, ngân hàng... đào tạo những ngành này. Mở ngành khi không hoạch định, mở ào ạt thì hậu quả là đương nhiên", thầy Chi nói.

GS Nguyễn Tấn Quý, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cũng cho hay, năm ngoái trường ông tuyển gần 300 sinh viên Tài chính Kế toán, riêng khối kinh tế tuyển mỗi năm 500-600 em. Ông quý chia sẻ, không rõ ở đâu sinh viên tài chính, kế toán ra trường không tìm được việc, riêng Đà Nẵng các em ra trường tháng 6, tháng 10 thăm dò 60% đã có việc, 40% đang xin, sau một năm gần như xin được hết.

"Tạm ngừng mở mới ngành và trường đào tạo là quyền của Bộ. Có thể khi họ quyết định thì đã có cơ sở thực tiễn", vị hiệu trưởng nói.

Còn hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh Nguyễn Văn Hùng thì cho rằng, khi đào tạo ra nguồn nhân lực thì phải có người dùng. Ngành tài chính, kế toán là ngành nóng xưa nay đào tạo nhiều, nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ cần 1-2 kế toán và tài chính ngân hàng đang có nhiều khó khăn. Ông Hùng cho rằng Bộ nên giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường, mỗi trường phải có cơ quan nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực để lên kế hoạch đào tạo, đồng thời tư vấn để sinh viên tự định hướng.

"Các trường cần tạo tính năng động để sinh viên chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Trường phải cung cấp cho sinh viên cái xã hội cần chứ không phải cái trường có. Học sinh khi chọn ngành cũng phải tự chịu trách nhiệm của mình", thầy Hùng đề xuất.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc Bộ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường vẫn ổn định. Chỉ tiêu tuyển mới sau đại học tăng 10-12%, số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tăng khoảng 5%. Chỉ tiêu đại học là 133.000, trong đó sư phạm 16.000, hệ cao đẳng chính quy 17.000, sư phạm là 2.900. Trung cấp có chỉ tiêu 7.200, tiến sĩ 1.350 người, thạc sĩ 27.000 người.

 Hoàng Thùy

 

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét